Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 6

 

* CHÚA KITÔ CHỊU PHÉP RỬA VÀ ĂN CHAY BỐN MƯƠI NGÀY; 
* NHỮNG VIỆC MẸ MARIA THỰC HIỆN TRONG CÁC BIẾN CỐ NÀY

 

Sau khi từ biệt Thánh Mẫu nơi ngôi nhà thanh bần Nazareth, Chúa Cứu Thế giong ruổi tới sông Jordan, không một người trần gian nào đi theo nhưng có việc thực thi lòng yêu mến vô cùng nồng nàn đồng hành. Chúa tới gần thị trấn Betha, còn gọi là Betharaba, ở phía bên kia sông Jordan, nơi vị Tiền Hô đang rao giảng và làm phép rửa. Ngay những bước đầu tiên khi rời khỏi nhà, Chúa Cứu Thế, ngước mắt lên Thiên Chúa Cha hằng hữu, dâng những việc Chúa sắp sửa khởi đầu cho việc cứu chuộc nhân loại: những vất vả, buồn phiền, khổ hình và chết trên Thánh Giá, gánh tội đền thay nhân loại trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa Cứu Thế cũng dâng lên Thiên Chúa Cha nỗi buồn tự nhiên với tư cách người Con đích thực và yêu thương xa lìa Hiền Mẫu, rời khỏi sự hiện diện tuyệt vời của Mẹ mà Chúa đã vui hưởng hai mươi chín năm nay. Chúa muôn loài bước đi một mình, không kèn không trống, không người tùy tùng. Vua tối cao trên hết mọi vua, Chúa trên hết các chúa (Kh 19:16) bị các thần dân của Người khinh miệt làm lơ.

 Suốt hành trình tới sông Jordan, Chúa Cứu Thế ban phát lòng thương xót chữa lành bệnh tật thể xác và linh hồn cho nhiều người tại nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên các việc này đều được thực hiện kín đáo; vì trước khi nhận phép rửa, Chúa không cho một bằng chứng công khai nào về quyền năng vô biên và nhiệm vụ cao cả của mình. Trước khi xuất hiện tại sông Jordan, Chúa đổ tràn đầy trái tim thánh Gioan Tẩy Giả ơn soi sáng và niềm vui mới, thay đổi và nâng cao tâm hồn Vị Tiền Hô. Nhận biết những tác động huyền nhiệm mới này, thánh Gioan Tẩy Giả bỡ ngỡ la lên:

 

“Mầu nhiệm cao cả biết bao? Những linh cảm hạnh phúc biết chừng nào? Từ khi nhận biết sự hiện diện của Chúa lúc tôi còn trong dạ mẹ, chưa bao giờ tôi cảm thấy linh hồn tôi xúc động xao xuyến như thế này! Chắc hẳn bây giờ Chúa đã tới rồi hoặc Chúa đang ở gần tôi?”

Ơn soi sáng này nơi thánh Gioan Tẩy Giả được nối tiếp bằng thị kiến trong đó ngài thấy hết sức rõ ràng mầu nhiệm kết hợp Ngôi Lời Thiên Chúa với bản tính loài người và các mầu nhiệm khác của Ơn Cứu Chuộc. Được soi sáng, thánh Gioan Tẩy Giả đã nói những chứng ngôn mà Thánh Sử Gioan ghi trong Phúc Âm các việc xảy ra khi Chúa Cứu Thế ở trong sa mạc và sau đó, khi Chúa trở lại bờ sông Jordan. Thánh Sử kể lại một trong những lời chứng công khai khi các người Do Thái chất vấn ngài, và lần khác khi thánh Gioan Tẩy Giả kêu lên: “Kìa Chiên Thiên Chúa,” (Gioan 1:36). Mặc dầu thánh Gioan Tẩy Giả đã được chỉ dạy về các mầu nhiệm vô cùng cao cả này khi được lệnh đi rao giảng và làm phép rửa; tất cả các mầu nhiệm đó lại được cho ngài thấy cách rõ ràng đầy đủ hơn vào dịp này khi được báo cho biết Chúa Cứu Thế đang đi tới để chịu phép rửa.

Lúc đó Chúa Cứu Thế nhập chung với đám đông xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa như mọi người khác. Thánh Gioan Tẩy Giả, biết Chúa Cứu Thế, đã quì xuống chân Chúa, lưỡng lự nói: “Lạy Chúa, tôi phải được Chúa rửa cho tôi mà sao Chúa lại xin tôi làm phép rửa cho Chúa?” Nhưng Chúa Cứu Thế trả lời: “Bây giờ hãy để vậy. Vì như thế chúng ta hoàn tất mọi thánh ý Thiên Chúa” (Mt 3:14-15)

 

 “Sau khi thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Cứu Thế, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần trong hình chim bồ câu ngự xuống trên đầu Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha phán: ‘Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng vì Con’” (Mt 3:17). Nhiều người được ân thưởng nghe tiếng nói này, họ cũng thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Cứu Thế. Đây là bằng chứng hiển nhiên nhất được ban để chứng tỏ Thiên Tính của Chúa Cứu Thế, và Thiên Chúa Cha nhìn nhận Chúa Cứu Thế là Con, cũng như về bản chất lời chứng nhận được Thiên Chúa Cha ban ra; hiển nhiên Chúa Cứu Thế được chứng minh là Thiên Chúa thực, đồng bản tính và trọn lành như Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa Cha muốn chính Ngài trước tiên xác nhận thiên tính của Chúa Cứu Thế. Một huyền nhiệm khác nữa trong lời Thiên Chúa Cha là khôi phục vinh dự của Thiên Chúa Con trước mắt nhân loại và là phần thưởng cho việc Thiên Chúa Con tự hạ mình nhận phép rửa, mặc dầu Chúa Cứu Thế hoàn toàn không vương mắc tội lỗi nào và không bao giờ có nơi Chúa sự vấp phạm tội lỗi (Dt 7:26).

Chúng tôi xin trở lại đề tài chính là những việc làm của Mẹ Maria. Ngay khi Con chí thánh chịu phép rửa, mặc dầu Mẹ được ơn soi sáng biết các việc Chúa Cứu Thế làm, các thiên thần hầu hạ Chúa Cứu Thế đã thông báo cho Mẹ biết mọi việc xảy ra ở sông Jordan (các thiên thần này là những vị mang huy hiệu tiêu biểu Khổ Hình Cứu Chuộc như được mô tả ở phần thứ nhất). Để mừng tất cả các mầu nhiệm này về việc Chúa Cứu Thế nhận Phép Rửa và việc công khai tuyên bố Thiên Tính của Chúa, Đức Hiền Mẫu Maria sáng tác nhiều ca vịnh mới chúc tụng tạ ân tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa Tối Cao và Ngôi Lời Nhập Thể. Mẹ Maria bắt chước mọi hành động khiêm tốn và cầu nguyện của Chúa Kitô, Mẹ cũng thực hành nhiều hành động riêng để kết hợp với mọi việc Chúa làm. Với lòng yêu mến nồng nàn, Mẹ Maria cầu bầu cho nhân loại được phước lộc nhờ Nhiệm Tích Rửa Tội và xin cho Phép Rửa được ban khắp thế giới. Thêm vào với những lời cầu nguyện, ca vịnh tạ ân, Mẹ Maria xin các thiên thần giúp Mẹ ca tụng Con cực thánh vì đã hạ mình nhận Phép Rửa nơi tay một trong các thụ tạo.

Ngay sau khi nhận Phép Rửa, Chúa Cứu Thế đi từ sông Jordan vào sa mạc. Chỉ có các thiên thần hộ vệ, phục dịch và thờ lạy, hát ca chúc tụng Thiên Chúa vì những việc lúc này Chúa sắp sửa thi hành để cứu chuộc nhân loại. Chúa tới nơi đã chọn để ăn chay: một địa điểm trong sa mạc giữa những hốc đá trọc nhô ra cheo leo, nơi có cái hang khuất. Chúa dừng lại ở đây trong những ngày ăn chay (Mt 4:1). Với lòng khiêm nhượng thẳm sâu và trong tư thế sấp mình xuống đất mở đầu lời cầu nguyện như thường lệ, Chúa Giêsu chúc tụng, tạ ân Thiên Chúa Cha hằng hữu vì những kỳ công của Ngài và đã vui lòng ban cho Chúa Cứu Thế nơi ẩn dật này.

Chúa Cứu Thế kiên trì không ăn uống chút gì ròng rã bốn mươi ngày, dâng việc ăn chay lên Thiên Chúa Cha hằng hữu để đền bù những xáo trộn và tội lỗi mà nhân loại bị lôi cuốn vào vì tính tham lam ăn uống khiến phẩm giá trở nên hèn mạt, nhưng lại phổ thông đến độ tính tham lam ăn uống được đề cao. Để đảm đương chức vụ Nhà Giảng Thuyết, Thầy Dạy muôn đời, Đấng Trung Gian và Cứu Độ nhân loại trước mặt Thiên Chúa Cha, Chúa Cứu Thế đã chiến thắng mọi tật xấu, đền bù mọi tội lỗi nhân loại do thói xấu tham lam ăn uống bằng việc chính Chúa thi hành những thánh đức đối nghịch các tật xấu đó.

Một người cha trần gian đầy lòng yêu thương sẵn sàng hy sinh toàn thể sản nghiệp để tránh cho con cái khỏi những hình phạt khủng khiếp vì đại trọng tội chúng phạm. Cũng vậy, Người Cha và Bào Huynh yêu thương vô cùng của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, muốn trả hết nợ nần thay cho chúng ta. Để đền bù tội chúng ta kiêu ngạo, Chúa Giêsu hiến dâng lòng khiêm nhượng thẳm sâu. Để đền chuộc tội chúng ta tham lam, Chúa tự nguyện sống cuộc đời hoàn toàn khó nghèo. Để đền chuộc tội chúng ta mê đắm sắc dục, Chúa thực hành việc đền tội và khắc khổ. Tội chúng ta ghen ghét và tính nóng nảy giận dữ được Chúa đền bù bằng đức hiền lành và bác ái đối với kẻ thù. Chúa đền bù tội chúng ta lười biếng chểnh mảng bằng những khổ cực vất vả không ngừng. Chúa đền bù tội chúng ta lừa dối và ganh tị bằng lòng thực thà ngay thẳng chân thật dịu dàng trong việc giao tiếp đầy yêu thương. Bằng cách này, Chúa không ngừng làm nguôi lòng Đấng Phán Xét chí công và xin ơn tha thứ cho chúng ta, những đứa con cứng đầu hoang đàng. Không những Chúa Cứu Thế liên tiếp xin ơn tha thứ cho chúng ta, mà còn làm cho xứng đáng được hưởng những ân sủng và hồng ân mới, để chúng ta có thể làm cho mình xứng đáng ở với Chúa, được thấy Thiên Chúa Cha và hưởng gia nghiệp đời đời. Mặc dầu Chúa Giêsu có thể giành được cho chúng ta mọi ơn này bằng những việc làm tầm thường nhất của Chúa, nhưng Chúa không hành động như chúng ta. Chúa cho thấy tình yêu của Chúa bao la vô cùng, để chúng ta không thể chối tội bội bạc và trái tim chúng ta chai đá.

Ngay khi Mẹ Maria biết Chúa Cứu Thế đang trên đường tới sa mạc để hoàn thành thánh ý, Mẹ khóa các cửa nơi Mẹ ở, không để một ai biết sự hiện diện của Mẹ. Cuộc tĩnh tâm của Mẹ Maria trong suốt thời gian Chúa Giêsu ăn chay đã hết sức trọn vẹn, mọi người lối xóm đều nghĩ Mẹ đi với Con chí thánh. Mẹ Maria vào phòng cầu nguyện, ở trong đó suốt bốn mươi ngày đêm và cũng không ăn uống chút gì, y hệt như Chúa Cứu Thế thực hành ở sa mạc. Cả Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria đều ăn chay nhiệm ngặt như nhau. Mẹ Maria thi hành theo Chúa mọi lời cầu nguyện, việc làm, mọi cử chỉ, không sót một điều nào; Mẹ Maria cũng thi hành các việc này đồng thời với Chúa. Mặc dù Chúa Giêsu hiện diện ở bên hoặc ở xa, Mẹ Maria biết những việc trong linh hồn Chúa Kitô, lúc này Mẹ thấy mọi cử động của thân xác Chúa qua thị kiến hoặc qua các thiên thần thông báo.

Do việc bắt chước Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria cộng tác với Chúa trong mọi lời cầu nguyện, giành được cũng những chiến thắng vinh quang đối với các tính mê tật xấu. Mẹ Maria phụ giúp đền thay với tỉ lệ thích đáng các tội lỗi nhân loại do các tật xấu gây ra. Trong khi Chúa Cứu Thế giành cho chúng ta được hết sức nhiều ân sủng, đền trả cách dư dật mọi nợ nần tội lỗi chúng ta, Mẹ Maria rất thánh, với tư cách Đấng Đồng Công với Chúa Cứu Thế và Mẹ chúng ta, cho chúng ta sự cầu bầu nhân từ xót thương và trở nên Đấng Trung Gian trong phạm vi chức năng cao cả của Mẹ.

Chúa Kitô cho phép Lucifer lầm tưởng Chúa chỉ là một thụ tạo tuy nhiên tột đỉnh thánh thiện công chính. Chúa để cho Lucifer nổi lên lòng can đảm xảo quyệt trong cuộc thử thách, vì đó là ấn tượng về những ưu thế nó thấy trong các cuộc tấn công cám dỗ các nạn nhân của nó. Do lòng kiêu căng phách lối, Lucifer khởi đầu trận chiến trong hoang địa này bằng năng lực dũng mãnh hung hãn khủng khiếp hơn so với những thứ mà tất cả ma quỉ đã từng sử dụng trong các trận chiến chống lại loài người. Lucifer và các phản thần đồng bọn đã tận dụng mọi khả năng và mưu kế ác độc, đã trở thành hung hãn sôi sục chống lại sức mạnh siêu việt mà chúng sớm nhận ra nơi Chúa Kitô. Nhưng Chúa Cứu Thế đã kiềm chế mọi hành động của Lucifer bằng sự khôn ngoan và lòng nhân từ vô cùng; bằng cách chính trực kín đáo, Chúa giấu nguồn gốc nhiệm mầu mọi quyền năng vô cùng, chỉ cho thấy vừa đủ để chứng minh Chúa là một người đã tiến rất xa trong sự trọn lành đủ để giành được những chiến thắng vinh quang này chống lại các kẻ thù từ hỏa ngục. Để khởi đầu cuộc chiến đấu với tư cách một con người, Chúa Giêsu đã từ nơi thẳm sâu linh hồn dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu mà sự thông minh của ma quỉ không thể dò thấu: “Lạy Cha và Thiên Chúa hằng hữu của Con, lúc này Con lâm chiến với kẻ thù để đập tan quyền lực nó, hạ lòng kiêu ngạo và mưu kế quỉ quyệt của nó đối với các linh hồn yêu dấu của Con. Vì vinh danh Cha, vì mưu ích cho các linh hồn, Con chịu sự cám dỗ liều lĩnh của Lucifer. Con muốn từ đó đập nát đầu nó để nhân loại không mắc tội khi bị những cám dỗ của nó. Lạy Cha, Con tha thiết xin Cha nhớ trận chiến và chiến thắng khải hoàn của Con vì mưu ích cho nhân loại, những người bị kẻ thù chung tấn công. Xin Cha ban sức mạnh cho những kẻ yếu đuối qua chiến thắng của Con, xin cho họ được chiến thắng vinh quang. Xin Cha cho họ được can đảm nhờ gương sáng của Con, xin cho họ học ở Con cách chống trả và khắc phục kẻ thù của họ.”

Trong trận chiến này, các thiên thần phục dịch Chúa Kitô đã lánh mặt không cho Satan nhìn thấy, để nó không thể hiểu và nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Cứu Thế. Các thiên thần ngợi khen Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đấng hài lòng vì các kỳ công của Ngôi Lời Nhập Thể. Từ phòng cầu nguyện, Mẹ Maria cũng chứng kiến trận chiến như sau. Cuộc cám dỗ Chúa Kitô bắt đầu vào ngày thứ ba mươi lăm Chúa ăn chay trong sa mạc và kéo dài cho tới khi kết thúc bốn mươi ngày chay tịnh, như các Thánh Sử ghi trong Phúc Âm. Lucifer giả dạng một người đến với Chúa như một khách lạ chưa hề gặp hoặc biết Chúa bao giờ. Lucifer tự mặc cho mình trong ánh sáng rực rỡ, như một thiên thần, và phỏng đoán Chúa Giêsu sau những ngày ăn chay lâu dài như thế chắc phải đói lắm, nó nói với Chúa: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những tảng đá này trở nên bánh” (Mt 4:4a). Lucifer tinh quái đưa ra giả thuyết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nó cố gắng tìm kiếm chút dữ kiện về điều nó đang hết sức nghi ngờ. Nhưng Chúa Cứu Thế chỉ trả lời bằng vài tiếng: “Người ta sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ lời Thiên Chúa phán dạy” (Mt 4:4b).

Lucifer thấy nó bị đánh bại bởi sức mạnh của câu trả lời này và do quyền năng tiềm ẩn kèm theo những lời đó, nhưng nó không muốn tỏ ra yếu kém, cũng không rút lui khỏi cuộc tranh tài. Chúa Giêsu cho phép ma quỉ tiếp tục việc cám dỗ, và vì mục đích này Chúa để cho ma quỉ đưa thân xác Chúa lên Jerusalem, đặt trên nóc đền thờ. Tại đây Chúa có thể nhìn thấy rất đông người nhưng không một ai nhìn thấy Chúa. Lucifer cố gắng khích động trong lòng Chúa ý muốn hão huyền tự gieo mình từ nóc đền thờ cao xuống đất, để đám đông người ta, nhìn thấy Chúa không bị thương tổn gì, sẽ ca tụng Chúa là một vĩ nhân và kỳ diệu của Thiên Chúa. Lần nữa nó dùng lời Sách Thánh nói với Chúa: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống, vì Sách Thánh có lời chép rằng Thiên Chúa sai thiên thần hộ vệ Ngài và nâng Ngài trên tay để chân Ngài không chạm phải đá” (Mt 4:6). Các thiên thần hộ vệ Vua của mình hết sức ngạc nhiên là Chúa, chỉ vì mưu ích cho nhân loại, đã cho phép Lucifer đưa thân xác Chúa trong tay nó. Chúa Sự Khôn Ngoan trả lời: “Lời Sách Thánh cũng nói: ngươi không được thử thách Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:7). Khi đáp bằng những lời này, Chúa Cứu Thế cho thấy sự hiền lành vô song, đức khiêm nhượng thẳm sâu nhất, sự uy nghi cao cả vượt trên hết mọi cám dỗ của Satan, và chỉ một đức khiêm nhượng đó đã đủ nghiền nát sự kiêu ngạo của Lucifer, gây cho nó những đau khổ giày vò xấu hổ nó chưa bao giờ cảm thấy.

Dù bị đánh bại nhục nhã như thế, Lucifer lại tấn công Chúa cách khác, nó tìm cách xúi giục tham vọng bằng cách hứa tặng một phần quyền lực của nó. Để đạt mục đích này, ma quỉ đưa Chúa lên đỉnh núi cao, từ đó có thể nhìn thấy nhiều nước, và nói với Chúa bằng lời táo bạo xảo trá: “Tôi sẽ cho Ông tất cả những thứ này nếu Ông quì xuống thờ lạy tôi” (Mt 4:9). Đức Vua và Thiên Chúa đã trả lời bằng giọng uy nghiêm cao cả: “Hãy xéo đi, Satan, vì lời Sách Thánh chép rằng: ngươi phải thờ phượng Thiên Chúa của ngươi, và ngươi phải phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi” (Mt 4:10). Do lệnh truyền “Hãy xéo đi, Satan,” Chúa Kitô đã tước đi việc cho phép Lucifer cám dỗ Chúa thêm nữa, tống cổ Lucifer và toàn thể các đạo quân của nó xuống hoả ngục.

Chúa Kitô, Thiên Chúa Chiến Thắng, của chúng ta khi đó hát những lời chúc tụng tạ ân Thiên Chúa Cha hằng hữu vì đã ban cho Chúa chiến thắng này đối với kẻ thù chung của Thượng Đế và loài người; giữa muôn lời ca mừng chiến thắng của muôn vàn thiên thần, Chúa Giêsu được đưa trở lại sa mạc. Các thiên thần kiệu Chúa trên tay, mặc dầu Chúa không cần các thiên thần giúp đỡ, vì Chúa có thể dùng sức mạnh Thiên Tính của Chúa; các thiên thần dâng lên Chúa những phục dịch này để đền đáp việc Chúa chịu đựng sự cả gan táo bạo của Lucifer khi nó đưa nhân tính của Chúa Kitô, mà chính Thiên Tính đích thực thực sự ở trong đó, lên nóc đền thờ và lên đỉnh núi. Quá sức tưởng tượng, Thiên Chúa có thể cho phép ma quỉ việc như thế, nếu việc đó không được kể cho chúng ta biết trong Thánh Kinh (Mt 4:1-11).

Chúng ta trở lại Nazareth. Từ phòng cầu nguyện, Mẹ Maria chứng kiến những trận chiến đấu của Con cực thánh. Mẹ Maria chứng kiến tất cả những trận chiến này nhờ ánh sáng Thiên Chúa và do những tin tức không hề gián đoạn của các thiên thần thông tin qua lại giữa Chúa Cứu Thế và Đức Hiền Mẫu. Mẹ Maria lặp lại cũng chính những lời cầu nguyện và cùng một lúc như Chúa Cứu Thế! Mẹ Maria cũng nhập trận chiến tương tự chống lại Lucifer, mặc dầu có tính cách tinh thần.

Thầy chí thánh hướng những bước chân cương quyết nhất về phía sông Jordan, nơi thánh Gioan Tẩy Giả còn đang rao giảng và làm phép rửa. Do sự hiện diện của thánh Gioan tại đó, Chúa muốn qua miệng thánh Gioan đạt được lời chứng mới về sứ mệnh và Thiên Tính của Chúa. Hơn nữa, Chúa bị tình thương yêu thúc đẩy muốn gặp nói chuyện với thánh Gioan, vì trong khi Chúa chịu Phép Rửa, trái tim vị Tiền Hô đã bừng cháy và bị thương vì tình yêu của Thiên Tính Chúa Cứu Thế, tình yêu này lôi cuốn mọi thụ tạo quá sức mãnh liệt. Nơi những trái tim được chuẩn bị kỹ lưỡng, như trái tim thánh Gioan, lửa yêu mến bốc cháy hết sức mãnh liệt. Khi Vị Tẩy Giả thấy Chúa Cứu Thế đang đi tới phía ông lần thứ nhì, ông chỉ vào Chúa và nói những lời được Thánh Sử ghi: “Kìa Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.” Thánh Gioan Tẩy Giả nói thêm: “Đây chính là Đấng mà tôi đã nói (về Ngài): Ngài đến sau tôi, nhưng trọng hơn tôi; vì Ngài có trước tôi. Tôi không biết Ngài; nhưng để tỏ rõ cho dân Do Thái nhận ra Ngài, mà tôi đến làm phép rửa bằng nước” (Gioan 1:29-31).

Hai môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô lúc đó đang ở với thánh Gioan (Tẩy giả), xúc động khi nghe lời chứng này; nhờ ánh sáng ân sủng, hai ông bắt đầu theo Chúa Giêsu. Chúa nhân từ quay lại nhìn và hỏi hai ông tìm kiếm điều gì (Gioan 1:38). Hai ông đáp các ông muốn biết nơi Chúa ở. Chúa bảo hai ông đi theo. Hai ông ở với Chúa suốt ngày hôm đó như thánh Gioan kể. Thánh Gioan nói một trong hai ông là thánh Andrê, anh em của thánh Phêrô, nhưng không nói tới người kia. Nhưng tác giả được cho hiểu người đó chính là thánh Gioan, mà vì khiêm tốn, không muốn nói tên mình ra. Như thế hai ông này, thánh Gioan và Andrê, những trái đầu mùa sứ vụ tông đồ của thánh Gioan Tẩy Giả, là những môn đệ đầu tiên của Vị Tiền Hô theo Chúa Cứu Thế do kết quả chứng ngôn ngài đưa ra mà không do Chúa gọi công khai. Thánh Andrê lập tức đi tìm anh/em của ông là Simon và dẫn ông này đi theo, nói rằng ông (Andrê) đã tìm thấy Chúa Cứu Thế, Ngài xưng mình là Đấng Kitô. Nhìn ông Simon, Chúa nói: “Anh là Simon con ông Gioan: anh sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là đá (Phêrô)” (Gioan 1:35-42).  Toàn thể việc này xảy ra trong ranh giới xứ Judea, và ngày hôm sau Chúa vào xứ Galilea. Tại đó Chúa gặp ông Philip và bảo ông theo Chúa. Ông Philip lập tức đi tìm ông Nathanael, dẫn ông này đến với Chúa Giêsu. Ông Philip kể lại cho ông Nathanael những việc đã xảy ra và nói các ông đã tìm được Chúa Cứu Thế nơi Đức Giêsu Nazareth. Ông Nathanael nói chuyện với Chúa như được ghi trong Chương Nhất, Phúc Âm thánh Gioan, trở thành môn đệ thứ năm theo Chúa Kitô (Gioan 1:43-51).

Cùng với năm môn đệ này, những khối đá đầu tiên nền tảng Giáo Hội mới, Đức Kitô đi vào xứ Galilea khởi đầu công việc rao giảng công khai và làm phép rửa (của Chúa). Chúa thắp lên trong lòng các Tông Đồ, từ giây phút các ông được kêu gọi theo Thầy chí thánh, ánh sáng mới và lửa yêu mến siêu nhiên, đổ tràn đầy tâm hồn các ông sự dịu ngọt ân sủng Chúa (Tv 20:4). Không thể nào mô tả đầy đủ những vất vả Thầy chí thánh phải chịu đựng trong việc linh hướng dạy dỗ năm môn đệ này và các môn đệ khác để xây dựng Giáo Hội trên các ông. Chúa tìm kiếm các tông đồ với lòng ân cần ưu tư lớn lao. Chúa thường thúc đẩy các ông tiến tới bằng sự giúp đỡ mãnh liệt đầy hiệu lực. Chúa soi sáng tâm hồn, làm phong phú trái tim các ông bằng những đặc ân và thánh sủng tuyệt vời. Chúa đón nhận các ông với lòng nhân từ. Chúa nuôi dưỡng các ông bằng sữa ngọt ngào nhất là các giáo lý, chịu đựng các ông với lòng kiên trì vô địch. Chúa vỗ về các ông như người cha hiền từ yêu thương săn sóc vỗ về con thơ vì bản chất nhân loại thấp hèn không quen với những hơi thở cao quí siêu việt của Thánh Linh. Không những các ông phải là môn đệ toàn hảo, mà còn phải là bậc thầy tột bực về sự trọn lành nơi trần thế và trong Giáo Hội, nên kỳ công biến đổi, nâng các ông từ bản chất tự nhiên thô kệch lên tới địa vị thiên đàng siêu nhiên nhờ các giáo huấn và gương sáng của Chúa, nhất thiết phải là cuộc đầu tư vĩ đại. Trong việc thực hiện kỳ công này, Chúa đã để gương sáng về lòng kiên trì, hiền lành, bác ái đáng ca ngợi cho tất cả các giáo chủ, các nhà lãnh đạo và bất cứ ai có trách nhiệm hướng dẫn người khác. Những bằng chứng lòng nhân từ Hiền Phụ của Chúa cũng không kém quan trọng đối với chúng ta. Chúa không chỉ bằng lòng với việc chịu đựng các lỗi lầm, bất toàn, những khuynh hướng và đam mê tự nhiên nơi các tông đồ, mà còn để cho lòng nhân từ hiền dịu của Chúa tuôn tràn quá sức lạ lùng đổ vào các ông, ngõ hầu chúng ta có thể được khuyến khích tin cậy ký thác (vào Chúa), để chúng ta không tự mình làm mất can đảm vì vô số bất toàn yếu đuối tự nhiên nơi bản chất trần thế chúng ta.

Mẹ Maria được thông báo việc Chúa Cứu Thế kêu gọi các Tông Đồ, các môn đệ và việc Chúa rao giảng công khai. Mẹ tạ ân Thiên Chúa Cha hằng hữu về những môn đệ đầu tiên này. Cũng như Con chí thánh, Mẹ chấp nhận các ông là con của Mẹ, dâng các ông lên Thiên Chúa Uy Linh. Trong dịp Chúa Cứu Thế tuyển chọn năm môn đệ đầu tiên, Mẹ Maria được Thiên Chúa Tối Cao ban những mạc khải mới, trong đó Mẹ lại được Chúa cho biết quyết định chí thánh hằng hữu liên quan đến Việc Cứu Chuộc nhân loại và cách thức việc đó phải được thực thi trong việc rao giảng của Con cực thánh.

Năm môn đệ xin Chúa Giêsu cho các ông được gặp và tôn kính Thánh Mẫu Chúa. Theo lời các ông xin, Chúa đi qua xứ Galilea trực chỉ Nazareth; dọc đường Chúa tiếp tục giảng dạy, xưng mình là Thầy dạy chân lý và lời hằng sống. Bị lôi cuốn bởi sức mạnh các lời Chúa dạy, được ánh sáng và ân sủng đổ tràn đầy trái tim, nhiều người theo Chúa; nhưng lúc này Chúa không kêu gọi thêm một môn đệ nào.

 Khi giong ruổi trên đường về Nazareth, Chúa Cứu Thế liên tục dạy dỗ các môn đệ: không những chỉ về các mầu nhiệm đức tin, mà còn về mọi thánh đức, cả bằng lời nói và gương sáng, như Chúa vẫn tiếp tục làm suốt thời kỳ Chúa rao giảng Phúc Âm. Để thực hành điều này, Chúa tìm kiếm người nghèo khó đau khổ, an ủi người bệnh tật đau buồn, thăm viếng người tật nguyền và người tù tội; vì lòng xót thương, Chúa làm nhiều phép lạ chữa lành thân xác cũng như linh hồn. Tới lúc này, Chúa vẫn chưa nhận mình là tác giả một phép lạ nào cho tới khi dự tiệc cưới Cana.

Khi Chúa Cứu Thế đang trên đường về Nazareth, Mẹ Maria chuẩn bị đón tiếp Chúa và các môn đệ. Mẹ biết mọi việc xảy ra, và với lòng hiếu khách, Mẹ dọn dẹp gọn gàng ngôi nhà nghèo nàn, lo chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm cần thiết để tiếp đãi Chúa và các môn đệ. Chúa Giêsu, trong khi không có Mẹ Maria hiện diện, đã trút vào tâm trí các môn đệ lòng tôn kính đối với địa vị cao cả của Đức Hiền Mẫu rất thánh. Cũng vậy, Đức Hiền Mẫu Maria cực kỳ khôn ngoan và tôn kính, trước sự hiện diện của Con cực thánh, muốn chỉ dạy cho các môn đệ về sự tôn thờ đối với Thầy chí thánh, Đấng là Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế. Với lòng khiêm nhượng thẳm sâu và tôn thờ khi Mẹ đón tiếp Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria trút đầy tâm hồn các môn đệ lòng tận hiến yêu mến kính trọng, tôn thờ đối với Thầy chí thánh. Mẹ Maria phục dịch Chúa Cứu Thế và các môn đệ để làm gương sáng và mẫu mực cho việc yêu mến tận hiến đích thực. Mẹ tức thời nhận chức Sư Mẫu và Mẹ tinh thần các môn đệ Chúa Kitô bằng việc hướng dẫn các ông cách đối thoại với Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế. Các ông bị lôi cuốn đến với Mẹ Maria, quì trước mặt Mẹ, xin được nhận là con và tôi tớ của Mẹ. Người đầu tiên làm việc này là thánh Gioan mà từ đó trở đi trội vượt trong việc xưng tụng tôn kính Mẹ Maria. Mẹ Maria đã nhận thánh Gioan với lòng yêu thương đặc biệt, vì ngoài sự trội vượt của thánh Gioan hơn các Tông Đồ khác ở đức trinh khiết, ngài còn hiền lành và khiêm nhượng.

Mẹ Maria đón tiếp tất cả như thượng khách, phục dịch cơm nước, hoà hợp sự ân cần của hiền mẫu với lòng khiêm nhượng và vẻ uy nghi của nữ vương. Mẹ Maria quì gối phục vụ bữa ăn của Chúa với lòng tôn kính sâu xa. Đồng thời Mẹ Maria nói với các Tông Đồ về bản tính Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế, chỉ dạy các ông những giáo lý cao siêu của đức tin Kitô hữu. Đêm đó, khi các Tông Đồ đã nghỉ, Chúa Cứu Thế đích thân đến phòng cầu nguyện của Mẹ cực trinh khiết như Chúa vẫn thường làm, và Mẹ Maria, Đấng khiêm nhượng nhất trong các người khiêm nhượng, quì nơi chân Chúa như Mẹ vốn thường thực hiện suốt bao năm qua. Về phương diện thi hành đức khiêm nhượng, Mẹ Maria cho rằng tất cả những việc Mẹ có thể làm dường như vẫn còn quá ít, càng ít hơn so với đáng lẽ ra Mẹ phải làm nếu xét theo phương diện tình yêu vô cùng và những hồng ân bao la Mẹ nhận được từ tay Chúa. Mẹ Maria xưng mình vô dụng như bụi đất. Chúa Giêsu đỡ Mẹ đứng lên và nói với Mẹ những lời hằng sống và ơn cứu chuộc đời đời. Vì trong giai đoạn này Chúa Giêsu bắt đầu đối xử với Mẹ Maria hết sức dè dặt để cho Mẹ cơ hội lập công.

LỜI MẸ MARIA

 

Con của Mẹ, Mẹ thấy con ước nguyện hạnh phúc vĩ đại nơi các môn đệ Con chí thánh Mẹ, đặc biệt nơi thánh Gioan, môn đệ được quí mến nhất. Mẹ đặc biệt yêu mến thánh Gioan vì ngài ngay thẳng và trinh trắng như chim bồ câu; ngài rất đẹp lòng Chúa cả vì sự trinh khiết và vì lòng yêu mến đối với Mẹ. Phần con, gương thánh Gioan phải được dùng như động lực thúc đẩy con thi hành những điều Con của Mẹ và Mẹ trông chờ nơi con. Con yêu dấu, con biết Mẹ là Hiền Mẫu cực trinh khiết và Mẹ tiếp nhận với tình mẫu tử tất cả những ai nồng nàn tận hiến ước nguyện làm con, là môn đệ của Mẹ trong Chúa Kitô. Bằng tình yêu Chúa đã ban cho Mẹ, Mẹ ôm ấp tất cả mọi người đó trong vòng tay rộng mở, Mẹ là Đấng Bầu Cử, là Trạng Sư bào chữa cho họ. Sự nghèo nàn, vô dụng, yếu đuối của con sẽ chỉ là nguyên nhân cấp bách hơn để Mẹ tỏ cho thấy lòng nhân từ đại lượng vô bờ của Mẹ. Vì thế, Mẹ kêu gọi con trở nên ái nữ được tuyển chọn và yêu dấu của Mẹ trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, Mẹ sẽ chỉ chu toàn lời Mẹ hứa tùy thuộc vào một phần vụ ở phía con nếu con tận lực bắt chước thánh Gioan cách trọn hảo: đó là con có lòng ganh đua yêu mến đích thực và thánh thiện mà vì lòng yêu mến đó Mẹ đã yêu thương thánh Gioan, và mọi hồng ân từ đó tuôn ra. Vì thế, con phải hứa chu toàn mọi điều Mẹ truyền cho con bây giờ, không được thiếu sót một điểm nào dù nhỏ nhặt nhất. Mẹ muốn con chịu vất vả cho tới khi mọi lòng tự ái chết hẳn trong con, khắc phục chế ngự mọi hiệu lực tội nguyên tổ cho tới khi mọi khuynh hướng trần thế do tội đó gây ra bị tiêu diệt hoàn toàn. Con phải tìm kiếm duy trì trong con lòng thành thực đơn sơ như chim bồ câu mà những đức tính này tiêu diệt mọi gian xảo lừa dối. Con phải là một thiên thần trong mọi việc con làm. Sự chiếu cố của Đấng Tối Cao đối với con quá sức vĩ đại đến độ ban cho con ánh sáng và sự thông minh hơn cả thiên thần và người ta. Mẹ đã xin được cho con những hồng ân vĩ đại này. Vì thế, thiệt là hợp tình hợp lý về phần Mẹ có thể trông chờ con đáp ứng những ân sủng đó bằng mọi hành động và tư tưởng của con. Đối với Mẹ, con phải liên tục nuôi dưỡng lòng trìu mến tha thiết ước ao làm vui lòng và phụng sự Mẹ, luôn luôn chăm chú lắng nghe những lời Mẹ khuyên dạy, luôn nhìn vào Mẹ để biết và thực hành những điều Mẹ dạy con. Như thế con sẽ là ái nữ đích thực của Mẹ, và Mẹ sẽ là Đấng Bảo Vệ và Hiền Mẫu của con.